Câu chuyện tạp chí National Geographic đưa Nha Trang vào nhóm các bãi biển tồi nhất thế giới khiến những người yêu biển VN đau lòng. Thật ra không chỉ người nước ngoài dành cho du lịch biển VN những lời cảnh báo nghiêm khắc, mà ngay “người trong nhà” khi nghiên cứu về du lịch biển cũng đã sớm chỉ ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến ngành “công nghiệp không khói” này.
GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, do ông làm viện trưởng, đã hoàn tất báo cáo đề tài “khảo sát đánh giá ô nhiễm môi trường do các hoạt động du lịch, khách sạn, nhà nghỉ dọc bãi biển Bình Thuận, tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững du lịch Bình Thuận”.
Gia tăng nguy cơ “thủy triều đỏ”
Kết quả nghiên cứu cho thấy tuy mang lại nhiều lợi ích như tăng trưởng kinh tế và giao lưu văn hóa, tạo việc làm cho lao động địa phương... nhưng hoạt động du lịch cũng đóng vai trò khá lớn làm suy thoái môi trường ven biển, một trong những vấn đề môi trường cấp bách mà tỉnh Bình Thuận đang phải đối mặt.
Kết quả khảo sát chất lượng nước biển ven bờ của Bình Thuận đã phát hiện các chỉ tiêu N-NH3, BOD5, Coliform và tổng chất rắn lơ lửng đều cao hơn quy định tại các khu vực có nhiều hoạt động du lịch ven biển như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, La Gi, TP Phan Thiết và Tuy Phong.
Theo các nhà nghiên cứu, chính sự xả thải của các khu du lịch, nhà hàng và sinh hoạt của ngư dân đã góp phần làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thủy triều đỏ (được biết đến dưới các đợt nở hoa bùng phát của tảo biển, tấn công và làm tổn thương hàng loạt đối với động vật biển giáp xác và thân mềm) hằng năm ở khu vực này.
Điển hình là vào tháng 7/2002, hiện tượng thủy triều đỏ làm 90% thủy sinh vật biển bị tiêu diệt, 82 người bị nhiễm độc tố tảo lam gây ngứa, phồng rộp, vàng da. Nước biển và không khí bị ô nhiễm trầm trọng kéo dài nhiều tháng sau. Đến năm 2004, thủy triều đỏ lại xuất hiện ở vùng biển Tuy Phong trong bán kính 20km, mật độ tảo dày đặc hơn 10cm làm nước biển ô nhiễm, hôi thối khủng khiếp. Năm 2005, khu vực Mũi Né, Phan Thiết lại xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ và đến giữa tháng 8/2009, tại vùng cửa biển Phú Hài, Hòn Rơm, Phan Thiết có hiện tượng thủy triều đỏ làm cá chết hàng loạt.
Bãi biển “chết” vì chất thải
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu trên, điểm chung nhất dọc ven bờ biển hiện nay là đủ các loại chất thải từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, rác bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chất thải từ giao thông vận tải trên biển, khai thác dầu khí... đều được thải trực tiếp ra biển. Trong đó, ngoài các chất thải từ các hoạt động ven biển còn có các chất thải từ trong đất liền.
Riêng tại Bình Thuận, chất thải từ đất liền theo bảy dòng sông lớn đổ ra biển rồi bị sóng đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Nhất là tại vịnh Phan Thiết, chất thải từ sông Cà Ty và sông Cái đổ ra vịnh ứ đọng dài ngày với nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản.
Trong khi đó, việc quản lý vệ sinh môi trường tại các khu du lịch vẫn còn nhiều bất cập như: thiếu lao động thu gom rác, việc bố trí các thùng chứa rác và bảng hướng dẫn bỏ rác ở các khu du lịch chưa hợp lý hoặc còn quá ít.
Mặt khác, các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý nước thải, không ít du khách vứt rác tùy tiện và những người bán hàng rong không thu nhặt thức ăn thừa khách vứt trên bãi cát... đã gây ô nhiễm cục bộ tại một số khu, điểm du lịch.
Đặc biệt, theo GS.TSKH Lê Huy Bá, việc khai thác cát đen (titan) cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển của tỉnh này.
Đề tài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng công tác quy hoạch phát triển du lịch ở Bình Thuận không theo kịp yêu cầu phát triển, dẫn đến nhiều dự án được triển khai nhưng chưa đánh giá hết được tác động đến tài nguyên môi trường, do đó không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Từ thực tế đó, các nhà nghiên cứu không ngần ngại khuyến cáo địa phương bắt buộc phải áp dụng các mô hình thu gom rác thải, xử lý nước thải từ hoạt động du lịch và sinh hoạt của cư dân ven biển để cắt nguồn gây ô nhiễm.
Đó là lời cảnh báo chung cho các địa phương dọc bờ biển Việt Nam.
Nguyên Triều - Ảnh: Mễ Thuận Thành - Châu Tường (ashui.com)