HNPL, HOẠCH ĐỊNH CHO NHỮNG GIÁ TRỊ VIỆT

Những năm cuối thế kỉ 20 và đầu của thế kỉ 21, Việt Nam chứng kiến sự phát triển vội vã của hàng loạt các loại đô thị mới nổi mọc lên ở khắp nơi. Vì để kịp theo đà phát triển kinh tế của đất nước, các đô thị mới nhanh chóng lan tỏa khắp các tỉnh thành, chạy dài theo các bờ biển, đi sâu vào các bản làng dân tộc ở dọc theo miền trung, lên miền tây bắc hay xuống tận miền Nam sông nước của của Đồng bằng sông Cửu Long. Trong hơn khoảng 20 năm phát triển vội vã, các đô thị tại Việt Nam đã góp phần gây tác nhân “biến đổi khí hậu toàn cầu”, bên cạnh đó là chúng ta đang đánh mất dần văn hóa bản địa vùng miền. Sự đánh đổi các vùng biển đẹp, các khu rừng tự nhiên, đất nông nghiệp và truyền thống văn hóa bản địa thuần túy với các khu du lịch và các khu công nghiệp để đem lại nguồn lợi du lịch, nguồn lợi kinh tế cho đất nước và người dân, dẫn đến hậu quả môi trường tự nhiên bị hủy hoại và văn hóa bản địa trên từng vùng miền bị thay đổi. 

Mâu thuẫn giữa lợi ích cấp thiết đánh đổi tính bền vững cho tương lai đất nước khiến chúng ta phải có những chiến lược định hướng hay tổng quy hoạch mới có thể tìm đường hòa giải để môi trường sống của con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên và nâng cao văn hóa bản địa. Trong hạn chế của bài viết này, chỉ giới thiệu một chiến lược quy hoạch mang tính bền vững, năng động và rất tự nhiên của tiểu bang Florida tại Hoa Kỳ, nơi điều kiện địa lý và khí hậu khá giống Việt Nam.


Hệ thống hồ điều hòa của thành phố Orlando đan xen với hệ thống “mảng xanh”, tạo hệ thống vi khí hậu vùng miền.

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THEO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Ngành xây dựng Việt Nam đã có chủ trương và quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng vẫn đang mang tính thử nghiệm hoặc áp đặt, còn thiếu nhiều chiến lược như: tầm nhìn chung cho quy hoạch tổng thể quốc gia, thay đổi ý thức con người, ý thức cộng đồng đối với các chiến lược quốc gia này, v.v. Đây có vẻ như mới là cuộc cải cách “nhìn nhận về thiên tai” và chưa đến giai đoạn thực hiện.

Tại Mỹ, cơn bão Andrew tháng 8 năm 1992 tấn công vào tiểu bang Florida và Lousiana với sức gió lên đến 280km/h làm cho nước Mỹ tổn hại đến 26,5 tỉ USD. Bài học rút ra cho các nhà quản lí cấp cao tại Florida là cần phải có chiến lược quy hoạch tổng thể, có định hướng cho việc tự ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và cần phải dựa trên các nền tảng sinh thái vùng miền sẵn có thì mới đạt hiệu quả cao. Từ đó, các chương trình nghiên cứu và các phương án chống bão được tổ chức thực hiện. Từ việc bảo vệ bờ biển như cải tạo hệ thống cồn cát, các vùng đệm, các vùng mềm ven sông ven biển, cải tạo hệ thống rừng phòng hộ, tăng số lượng hồ điều hòa hay nghiên cứu hướng gió, hướng phát triển kinh tế vùng để định hướng quy hoạch, v.v. Họ điều chỉnh và tái tạo sinh thái địa phương và các khu các vùng ven miền khí hậu (là hệ thống liên kết các môi trường sinh thái sẵn có cũng là nơi luôn có sự tự điều chỉnh, và cân đối của thiên nhiên). Điều này đã giúp các nhà quy hoạch có thể quy hoạch tổng thể một cách hiệu quả, khi kết hợp hài hòa hệ thống hạ tầng quy hoạch và kiến trúc với môi trường sinh thái sẵn có.

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG

Trong văn kiện thành lập của hội “chủ nghĩa đô thị mới” tại phần Charter of the New Urbanism, đã được viết như sau:
“We advocate the restructuring of public policy and development practices to support the following principles: neighborhoods should be diverse in use and population; communities should be designed for the pedestrian and transit as well as the car; cities and towns should be shaped by physically defined and universally accessible public spaces and community institutions; urban places should be framed by architecture and landscape design that celebrate local history, climate, ecology, and building practice”

Tạm dịch:
“Chúng tôi chủ trương việc tái cơ cấu chính sách công và phát triển thực tiễn để hỗ trợ các nguyên tắc sau đây: khu dân cư nên đa dạng trong sử dụng và dân cư, các khu cộng đồng nên được thiết kế cho người đi bộ và vận chuyển cũng như xe hơi, các thành phố và thị trấn nên được định hình bởi tự nhiên sẵn có của khu vực, các không gian công cộng và các tổ chức cộng đồng được kết nối tốt nhất có thể cho người dân sử dụng; các khu đô thị phải được tổ chức theo kiến trúc và thiết kế cảnh quan để tôn tạo và tôn vinh lịch sử địa phương, khí hậu, sinh thái, trên các quy chuẩn thực hành xây dựng.”

Các phân tích cho thấy, ở giữa thế kỉ trước tại Hoa Kỳ, khi tạo ra các thành phố công nghiệp với các đường cao tốc chạy dài kết nối với các khu dân cư mọc lên trên các ô phố bàn cờ, và những căn biệt thự điển hình trong các khuôn viên sân vườn để phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng con người, nhưng lại xa trung tâm, xa cộng đồng, lại chính là nguồn gốc của những biến đổi văn hóa ngay trong quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, và tính cách của con người, đã đánh mất dần đi sự quan tâm chia sẻ của cá nhân với các cộng đồng và những người xung quanh mình. Các khu dịch vụ cộng đồng đã được quy hoạch và thiết kế một cách “thực dụng”, gây nhàm chán, thiếu thẩm mỹ và thiếu thân thiện.

Do sự phát triển trải rộng này, đất rừng, đất nông nghiệp bị mất đi kèm theo sự tàn phá môi trường khi xây hàng loạt các khu công nghiệp, khu dân cư, và các đường cao tốc. Tại tiểu bang Florida, Mỹ - họ bắt đầu điều tiết và hạn chế sự phát triển tràn lan này bằng các tiêu chí quy hoạch mới, nhằm làm tăng mật độ xây dựng, cũng như quy hoạch và đầu tư để tạo thuận tiện cho các dịch vụ công cộng đối với người dân. Trong thập niên 90s, họ đã tạo ra những khu cộng đồng dân cư có sức sống như Seaside, Windsor, Celebration, Wellington, v.v, hay cải tạo khu nhà xưởng cũ tại YBor và khu cầu cảng Chanelside ở thành phố Tampa, tạo ra những cộng đồng được quy hoạch có mật độ xây dựng cao kết hợp dân cư, và các hạ tầng dịch vụ đô thị vừa có tổ chức và quản lí chặt chẽ. Bên cạch đó còn có các hoạt động văn hóa hàng tuần, tạo các không gian tương tác, nâng cao đời sống văn hóa cảm nhận và cảm thụ nghệ thuật bằng các hình thức kiến trúc không gian đa dạng và thẩm mỹ cao, bổ sung tinh thần đời sống người dân. Các khu dân cư cộng đồng này đã tạo ra các luồng văn hóa sống mới đem lại sự thành công vượt trội cho các nhà đầu tư bất động sản, khi giới trung lưu và giới thượng lưu đều có khuynh hướng chọn căn nhà mình ở các khu quy hoạch này để được sinh hoạt trong không gian tiện nghi hiện đại với các văn hóa sinh hoạt hàng xóm hay để tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng. Sự thành công của các khu cộng đồng này được chứng minh khi thị trường bất động sản Mỹ bị sụt giảm những năm 2008-2012, thì các khu cộng đồng này không bị biến động về giá.  
 

Khu Cộng Đồng Seaside – Panama, Florida

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÍCH HỢP VỚI TỰ NHIÊN VÀ VĂN HÓA

Cùng với việc quy hoạch phát triển đô thị theo vùng sinh thái. Florida cũng thực hiện một cuộc cải cách các chương trình ứng phó với bão lũ bao gồm nghiên cứu sâu về sức mạnh và tàn phá của bão để có thể dự đoán chính xác hơn về cơn bão, quy hoạch lại tổng thể cả tiểu bang trong từ hệ thống cấp thoát nước, cải tạo hệ thống “xanh tự nhiên” để phòng thủ, nâng cấp các quy chuẩn quản lí xây dựng, quản lí thành phố, và tiểu chuẩn xây dựng tương thích với môi trường.

Sự thành công của các khu đô thị mới tại Florida chứng minh nhu cầu cần thiết những đô thị năng động hiện đại, các dịch vụ tiện ích, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu các khu quy hoạch này vẫn chỉ dành cho giới giàu có, hình thức kiến trúc thì cóp nhặt và chỉ có vẻ bề ngoài và giả tạo, vẫn còn mang tính hình thức và áp đặt. Đến đầu thế kỉ 21, thì các thành phố như Sarasota hay St. Petersburg áp dụng các mô hình “cộng đồng tương thích”, có nghĩa là các cộng đồng này luôn có sự năng động điều tiết khi kết hợp hay va chạm với các cộng đồng xung quanh trong việc cùng phát triển, thực hiện các chương trình “phát triển không gian xanh”, “cải thiện biến đổi khí hậu toàn cầu”, ”gây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”. Bằng cách sử dụng các mô hình vật liệu kiến trúc địa phương cho phù hợp với khí hậu và văn hóa bản địa nhằm giảm chi phí nguyên liệu, sử dụng vật liệu sẵn có, áp dụng các tiêu chuẩn xanh; từ tiết kiệm năng lượng, tăng không gian xanh, sử dụng vật liệu xanh, v.v. hòa hợp với các sinh hoạt cộng đồng có sự kết hợp với văn hóa bản địa, lịch sử, tôn tạo nền văn hóa sẵn có của địa phương trong không gian quy hoạch kiến trúc hiện đại. Các mô hình này đang được quy hoạch định hướng trong các công trình quy hoạch hiện nay cho “cùng nhịp điệu” với lối sống văn minh. 
 

Một góc thành phố Saint Petersburg, Florida

 

Một góc thành phố Sarasota, Florida

MỘT HƯỚNG NHÌN

Việt Nam có diện tích nhỏ, nhưng lại có rất nhiều vùng sinh thái đa dạng, điều này thực sự là điểm đặc sắc thu hút du lịch, cũng là tài sản cần được bảo vệ mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước. Tiểu bang Florida (Mỹ) và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về bờ biển, khí hậu, v.v. Trong khi các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, tìm hiểu, thì chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng mô hình mà tiểu bang Florida áp dụng đối với lĩnh vực quy hoạch và xây dựng trong hơn 20 năm qua, đó là:

1. Quản lí rủi ro do thiên tai gây ra và phát triển quy hoạch tổng thể của cả quốc gia dựa theo mô hình sinh thái sẵn có trên từng tiểu vùng khí hậu của đất nước 

“Planning for climate change is not necessarily about being green. It really is about managing risk,”
“Kế hoạch đối phó biến đổi khí hậu không nhất thiết là phải biến đổi thành môi trường xanh. Mà nó thực sự là quản  lí rủi ro,” (tạm dịch)
Trích câu nói của Lara Whitely Binde, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu của cơ quan Impacts Group, một trong tám nhóm nghiên cứu biến đổi khí hậu của Mỹ được tại trợ bởi (NOAA).

Chúng ta không thể lường trước việc gì sẽ xảy ra, chúng ta chỉ tính toán trong khả năng tốt nhất để chuẩn bị và điểu chỉnh giảm thiểu tổn thất, đó là quản lí rủi ro. Cho nên, áp dụng mô hình quy hoạch theo sinh thái của tiểu bang Florida với các biện pháp giảm thiểu rủi ro khi ứng phó thiên tai là rất phù hợp với môi trường sẵn có của Việt Nam.

2. Áp dụng quy hoạch các khu dân cư theo mô mình “Đô Thị Mới” và cải thiện các đô thị cũ

Áp dụng mô hình quy hoạch “Đô Thị Mới” sẽ giúp chúng ta có những đô thị văn minh về hạ tầng, tiện nghi cho cuộc sống, và quan trọng là trên nền tảng đô thị mới này, chúng ta có thể xây dựng và kết hợp để tái tạo, giữ gìn văn hóa lâu đời của dân tộc, cũng như tìm cách nâng cao bổ sung những nếp văn hóa mới cho Việt Nam. Đối với các mô hình làng xã và đô thị sẵn có thì phải kết hợp các quy chuẩn xây dựng quy hoạch phù hợp, áp dụng các mô hình giãn mật độ dân cư, tăng diện tích xanh, cải thiện các hệ thống hạ tầng công cộng. Bên cạnh đó là ý thức nâng cao lối sống sinh hoạt văn minh tiện nghi và thân thiện với môi trường; mang sự hiện đại tiện nghi vào lối sống con người, với các quy hoạch xây dựng quy chuẩn phù hợp, biết cách mở rộng và cải tạo không gian kết hợp với sinh thái địa phương, gìn giữ và nâng cao các bản sắc văn hóa thuần túy như nếp gia đình, nếp sống, nếp cộng đồng. Các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng, cũng đang dần làm được điều đó tại Việt Nam.

3. Áp dụng các chương trình “mô hình đô thị thích ứng” với biến đổi khí hậu và văn hóa

Văn hóa cộng đồng Việt vốn có tổ chức và tính cộng đồng cao, luôn có sự thân thiện và thích ứng với môi trường tự nhiên rất tốt, đó là điểm thuận lợi để chúng ta có thể áp dụng các tư tưởng thiết kế quy hoạch kiến trúc mới. Kết hợp với tư tưởng “Đô thị mới” và “Đô thị thích ứng” là điều cần làm. Trong văn hóa Việt, tư tưởng nông nghiệp lâu đời là phát triển cộng đồng dựa theo khí hậu vùng miền. Bên cạnh đó, các văn hóa cộng đồng người Việt cũng tự tạo ra bản sắc văn hóa hòa hợp và thích ứng với các điều kiện sẵn có tại địa phương. Điều này nói lên, dựa trên những bản sắc, tư tưởng và văn hóa có sẵn của người Việt, khi kết hợp các tư tưởng mới của thế giới, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận và phát triển tốt hơn hơn.

KẾT LUẬN

Hình ảnh các cơn bão hàng năm, uy hiếp các tỉnh ven biển từ Phú Yên cho tới Quảng Ninh, cho thấy nỗi lo sợ luôn tồn tại của người dân miền biển đối với mưa bão hàng năm suốt bao nhiêu thế hệ. Chúng ta tự hào là quốc gia có bờ biển dài, đẹp, phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, thì bên cạnh đó là nỗi lo, mưa to bão dữ hàng năm cuốn đi bao nhiêu sinh mạng và tài sản. Đó là cơn bão do thiên nhiên gây ra, được tiếp tay bởi con người bởi chính họ gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Rồi “cơn bão suy thoái văn hóa” cũng đang diễn ra tại khắp nơi trên các vùng miền đất nước. Hai “cơn bão” này sẽ ngày càng phát triển lớn dần, xâm hại đất nước và con người Việt Nam, do đó chúng ta phải có chiến lược phù hợp và thiết thực giúp người dân yên tâm sống và đối phó với các thảm họa.

Cha ông ta đã xây dựng xã hội với tư tưởng thân thiện với môi trường phù hợp với khí hậu vùng miền, tạo ra những nền văn hóa cộng đồng làng xã rất đặc trưng theo từng địa phương. Mặc dù chúng ta ngày nay phải xây dựng để phát triển đất nước, phục vụ nhu cầu đời sống văn minh cho con người, trong bước tiến đó, chúng ta đã làm tổn hại, ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa, và xã hội. Cho nên, nếu áp dụng được các phương pháp mà các nhà quy hoạch Mỹ tại Florida đã làm từ 20 năm về trước cho Việt Nam, có nghĩa là chúng ta nên đi theo con đường phát triển “đô thị thông minh”, là xây dựng đô thị theo mô hình đô thị mới kết hợp với tính quy hoạch, kiến trúc, văn hóa sinh hoạt cộng đồng địa phương hòa hợp tổng thể điều kiện tự nhiên của các vùng miền khí hậu vào các tiêu chuẩn thực hành xây dựng. Đô thị phải có tính tương tác kết nối các luồng văn hóa mới cũ, bản địa, ngoại lai trong đời sống và sinh hoạt cộng đồng, tạo nên sự đa dạng và sinh động về văn hóa, thì Việt Nam có thể yên tâm giữ gìn và bảo vệ tài sản tự nhiên mà Mẹ thiên nhiên ban tặng, và nền tảng văn hóa mà cha ông để lại. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà chức trách, những người có chuyên môn, và cả xã hội.
 

KTS Nguyễn Chứng Nhân (theo ashui.com/)

 

  • Liên kết