Tuyên Quang là tỉnh thuộc vùng du lịch trung du miền núi Bắc Bộ, diện tích 5.868 km2 với hệ thống tài nguyên du lịch tương đối đa dạng cả về tự nhiên lẫn nhân văn, lại có thương hiệu Thủ đô kháng chiến… là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được lập trên quan điểm bền vững nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh; làm cơ sở lập và triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh.
Định hướng phát triển du lịch Tuyên Quang với các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dịch vụ gắn với các đô thị.
Tập trung phát triển 4 không gian du lịch chính:
- Không gian du lịch Trung tâm: Được hình thành trên cơ sở khai thác du lịch dịch vụ khu vực Thành phố Tuyên Quang (trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh) và vùng phụ cận.
- Không gian du lịch phía Đông: Khai thác tiềm năng du lịch khu vực huyên Sơn Dương và phía Đông Nam của huyện Chiêm Hóa, trọng tâm là khai thác du lịch tại Khu di tíchquốc gia đặc biệt Tân Trào.
- Không gian du lịch phía Bắc: Khai thác tiềm năng du lịch khu vực huyện Na Hang, huyện Lâm Bình và phía Bắc huyện Chiêm Hóa, nhằm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa sắc tộc khu vực rừng núi phía Bắc với động lực chính là tiềm năng du lịch sinh thái hồ thủy điện Tuyên Quang, Chiêm Hóa...
- Không gian du lịch phía Tây: Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái khu vực huyện Hàm Yên và phía Tây của huyện Yên Sơn, phía Tây của huyện Chiêm Hóa.